CẢM NHẬN CỦA GIỚI TRẺ VỀ CUỘC BẦU CỬ QUỐC HỘI 2011

Trà Mi, nguồn VOA Một cử tri xem danh sách ứng cử viên ở Hà Nội ngày 22/5/11

Cuộc bầu cử quốc hội khóa 13 được tổ chức ngày 22/5 vừa qua để chọn ra 500 đại biểu trong cơ quan quyền lực cao nhất của Việt Nam trong số 827 ứng cử viên. Theo tỷ lệ được nhà nước công bố, trong kỳ bầu cử này, cứ 100 ứng cử viên thì có 14 người ngoài đảng và số người tự ứng cử là 15, tức chưa tới 2% trong tổng danh sách ứng cử viên. Cảm nhận của giới trẻ về cuộc bầu cử 5 năm một lần này như thế nào? Đó cũng là nội dung cuộc thảo luận trên Tạp chí Thanh Niên tuần này, ghi nhận ý kiến của 3 cử tri trẻ từ 3 miền đất nước.

Duy: Tôi là Bá Duy ở Bạc Liêu.

Trung: Tôi là Trung, cử tri Đà Nẵng, miền Trung.

Hiệu: Mình là Hiệu, cử tri khu vực miền Bắc.

Trà Mi: Cảm nhận của các bạn về cuộc bầu cử Quốc hội khóa 13 như thế nào?

Duy: Về trình tự, thủ tục bầu cử, mình không có ý kiến. Tôi chỉ đặt trọng tâm về vấn đề nhân sự được giới thiệu. Nhiệm vụ của Quốc hội là làm luật, soạn luật để ban hành vào cuộc sống. Cho nên, ứng cử viên vào Quốc hội phải là những người có kiến thức nhất định về pháp luật, phải có trình độ lập pháp mới có thể thực hiện tốt chức năng của Quốc hội. Nhưng hiện nay tôi thấy việc lựa chọn nhân sự cho Quốc hội chủ yếu đặt nặng vấn đề cơ cấu, tức phải có đủ các thành phần dân tộc thiểu số, tỷ lệ nam nữ..v..v. Theo tôi, việc này không quan trọng. Cái cử tri cần nhất là những người có năng lực lập pháp, những người biết làm luật, điều cốt yếu giúp Quốc hội mạnh và hoạt động có hiệu quả.

Trà Mi: Anh Duy nói rằng không có ý kiến về trình tự, thủ tục của hoạt động bầu cử ở Việt Nam. Anh có thể cho biết lý do vì sao?

Duy: Vấn đề đó tôi thấy cũng bình thường thôi, không có gì cần phải sửa đổi nhiều, nên tôi không có ý kiến về việc đó.

Trà Mi: Cảm ơn anh Duy. Bây giờ xin mời ý kiến của cử tri miền Bắc. Hiệu ghi nhận như thế nào về cuộc bầu cử này, bạn nhận xét sự hưởng ứng của cử tri trong nước ra sao, có gì khác biệt so với những lần bầu cử khác?

Hiệu: Mình thuộc giới trẻ. Xưa nay em đã được đi bầu cử vài lần. Em nhận thấy việc bầu cử đối với người dân Việt Nam chỉ là một nghĩa vụ thôi, chứ không phải là quyền lợi. Trong khi nhà nước kêu gọi đó là quyền lợi của người dân, nhưng em thấy đây chỉ là nghĩa vụ. Đa phần là một người đi bầu cho cả nhà. Ông trưởng xóm hô hào vận động, đưa phiếu cho, rồi mình tới phòng phiếu ‘gạch bừa’ miễn sao đủ để bỏ vào thùng phiếu thôi. Không biết miền Nam và miền Trung thế nào, chứ em thấy ở miền Bắc người ta đi bầu cử chỉ để làm cho xong trách nhiệm thôi.

Trà Mi: Người bạn còn lại có ý kiến nào khác không? Có đồng ý với ghi nhận của Hiệu không?

Trung: Năm nay mình cũng được đi bầu cử. Mình thấy đúng như Hiệu nói. Số người ứng cử họ đã được chọn trước, nhưng cũng không rõ tiêu chí và cách thức họ chọn trước đó như thế nào. Khi họ chọn, họ chẳng thông báo, thông tin gì cả. Các cử tri thường đi bầu cho qua nhiệm vụ, có khi nhờ bạn bè đi bầu dùm cho nữa.

Trà Mi: Trung không hiểu những người được đại diện, được đề cử dựa trên những tiêu chí nào, được chọn ra sao?

Duy: Tôi có thể giải thích cho anh Trung. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở các địa phương rà soát, chọn ra những người có tiếng tăm, uy tín, và năng lực một chút. Số này cộng với những người tự ứng cử. Nhưng hiện nay ở Việt Nam, người dân hầu như không quan tâm và thờ ơ với vấn đề chính trị, dù nhà nước có khuyến khích tự ứng cử. Tuy nhiên, thực tế không có mấy người nộp đơn tự ứng cử. Thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, người ta lo làm ăn, kinh doanh, nên thờ ơ với chính trị rất nhiều.

Trà Mi: Theo anh Duy, tỷ lệ tự ứng cử ở Việt Nam thấp là do ý thức của người dân về quyền chính trị và quyền bầu cử còn thấp. Thế còn ý kiến các bạn khác thế nào?

Duy: Luật pháp có quy định cho phép người dân ra ứng cử nhưng tại dân không ra thôi, chứ không phải là không có quyền ra.

Trà Mi: Ý kiến hai bạn còn lại ra sao?

Trung: Nói chung bây giờ hoàn cảnh xã hội không cho phép, khiến một số người rất ngại.

Trà Mi: Duy cho rằng do ý thức người dân, Trung thì nói do môi trường ở Việt Nam chưa tạo điều kiện cho người ta tự ra ứng cử. Hiệu nhận xét như thế nào về tính dân chủ, tính công bằng trong hoạt động bầu cử tại Việt Nam?

Hiệu: Ở Việt Nam, điều kiện và tiêu chuẩn đầu tiên để một người ra ứng cử là phải vào đảng, sinh hoạt trong đảng. Bạn nào muốn ứng cử phải vào đảng cái đã.

Trà Mi: Theo các bạn, điều này có hợp lý không? Các bạn đồng ý hay không hài lòng ở điểm nào không?

Hiệu: Điều này bất hợp lý. Chúng ta bầu người làm đại biểu Quốc hội, người nói lên tiếng nói của dân, làm ra luật pháp nước CHXHCN Việt Nam. Vậy mà gạt bỏ hẳn một bộ phận như thế liệu có công bằng, dân chủ hay không? Đấy là một bất công.

Trà Mi: Xin mời ý kiến của Trung. Bạn nhận xét thế nào về quy cách ‘đảng cử, dân bầu’ ở Việt Nam?

Trung: Trung có ý kiến giống người bạn miền Bắc. Hy vọng sau này mình sẽ có nhiều người đại diện cho dân hơn. Còn cứ ‘đảng cử, dân bầu’ kiểu này cứ quay đi quay lại thật ra chẳng có gì mới cả. Trung hy vọng sau này tình hình sẽ tốt hơn.

Trà Mi: Có người nêu thắc mắc rằng vì sao không thể là ‘dân cử, dân bầu’ mà phải là ‘đảng cử, dân bầu’ trong khi đại biểu Quốc hội vốn được coi là “dân cử”, “dân biểu” kia mà? Ý kiến của Duy thế nào?

Duy: Không phải toàn bộ là do đảng cộng sản quyết định. Luật pháp đã quy định và cho dân quyền tự ứng cử, nhưng tại anh không thực hiện quyền đó, thì anh không thể nói là đảng cộng sản độc quyền trong vấn đề bầu cử. Đảng cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, đương nhiên họ được giới thiệu người của mình ra ứng cử. Luật pháp cũng cho phép các tổ chức, đoàn thể, lẫn cá nhân không tham gia tổ chức nào cũng được quyền ra ứng cử, nhưng tại anh không thực hiện quyền của anh thôi. Hai bạn nói tiêu chí đầu tiên ứng cử đại biểu Quốc hội phải là đảng viên. Đó là do nhận thức của hai bạn một phần bị hạn chế, không xem kỹ. Thực tế có rất nhiều ứng cử viên ngoài đảng, thuộc nhiều thành phần khác nhau về tôn giáo, dân tộc, rất là đông.

Trà Mi: Tỷ lệ được công khai là 90% các đại biểu Quốc hội là người trong đảng, ‘số đông’ Duy nói so với tỷ lệ này là một chênh lệch quá lớn, khiến gây ra nhiều tranh luận và tranh cãi.

Duy: Để có tỷ lệ đó thì qua các bước như sau. Đầu tiên, ứng viên nộp đơn ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Ủy ban bầu cử ở các cấp sẽ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc đến địa phương nơi ứng cử viên cư trú và tới cơ quan ứng viên đang công tác để tổ chức hội nghị hiệp thương lấy ý kiến cho quần chúng khu vực đó nhận xét. Nếu ứng viên được hơn 50% ý kiến nhận xét là có đạo đức, tư cách, nhân thân tốt, sẽ được biểu quyết giới thiệu ra ứng cử. Cái tỷ lệ thấp đó là do từ các hội nghị hiệp thương. Có thể trong các hội nghị hiệp thương, người ta thấy những người đó chưa đủ đạo đức, năng lực, thì họ không giới thiệu, dẫn tới tỷ lệ đó thôi.

Trà Mi: Theo Duy, tỷ lệ 1/10 là do trong quá trình hiệp thương, các đại biểu tự ứng cử chưa đủ khả năng nên chưa được chọn. Hiệu và Trung có ý kiến ra sao?

Trung: Tổ chức để lấy ý kiến dân và lấy số liệu? Em không tin tưởng vào tất cả các số liệu đó. Thật sự em không hài lòng.

Hiệu: Thông tin sau bầu cử nói là 97% người dân tham gia bầu cử, nhưng kết quả đó em nghĩ cũng không phải là thật. Các ứng cử viên thuộc các tập thể, hội đoàn khác tự ra ứng cử thường bị loại ra ngay từ vòng đầu. Em thấy một điều rất buồn cười rằng ‘đảng đề cử, dân bầu’ nhưng bây giờ dân không biết gì về các ông ấy, chỉ qua một sơ yếu lý lịch 1-2 trang giấy, mà bảo bầu ra làm đại diện cho mình, như thế có hợp lý không? Nếu đảng cho các ứng cử viên đó công khai đứng ra cho dân biết họ, biết khả năng, năng lực, trình độ của họ, thì lúc đó dân đi bầu cử mới đúng. Còn đằng này đảng cứ đẩy ra mấy người vào danh sách bầu cử rồi bảo bầu, mặt ngang mũi dọc các ông ấy tôi chả biết, trình độ như thế nào tôi không tin, thì tôi đi bầu tôi cứ gạch bừa đi vậy.

Duy: Thực tế ở phương Tây, việc anh ra ứng cử Quốc hội cũng đâu phải hoàn toàn là do tự cá nhân anh mà phải từ một tổ chức chính trị nào đó. Ở Mỹ chẳng hạn, nếu không phải là người của đảng Dân chủ hoặc đảng Cộng hòa, khi ra ứng cử vào Thượng hay Hạ viện, khả năng thắng cử của anh rất thấp. Theo tôi quan sát, trong Hạ viện và Thượng viện Mỹ, đại đa số là người của hai đảng này, chứ đâu phải một cá nhân đơn lẻ mà đứng ra tranh cử được.

***

Nguyện vọng của giới trẻ từ cuộc bầu cử quốc hội 2011

Trước khi khép lại chủ đề thảo luận về tính công bằng, dân chủ trong hoạt động bầu cử tại Việt Nam, 3 cử tri trẻ từ 3 miền đất nước tham gia trong phần cuối loạt thảo luận hôm nay sẽ nói lên nguyện vọng của họ và tranh luận về những yếu tố giúp cải thiện dân chủ trong tình hình hiện tại khi những thay đổi lớn dường như còn xa vời, theo như nhận xét của các bạn đưa ra tuần trước. Bây giờ, mời quý vị cùng gặp gỡ Bảo từ Sài Gòn, Hội ở Quảng Nam, và Vina từ Hà Nội.

Quốc Hội: Đề nghị luật hóa quyền lãnh đạo của đảng, quy định đảng làm gì, nhà nước làm gì, quốc hội làm gì. Đảng không được can thiệp sâu hơn nữa vào những quyết định. Đảng viên thật ra cũng có những người có tâm huyết nhưng bị lệ thuộc vào các điều lệ của đảng. Cho nên, nếu luật hóa quyền của đảng thì có thể cải thiện được dân chủ tại Việt Nam.

Vina: Cần đẩy mạnh mặt xã hội theo xu hướng dân sự cho người dân có quyền thành lập các tổ chức, giám sát nhà nước và quốc hội. Nên cho báo chí có quyền tự do độc lập. Báo chí không thể theo xu hướng một chiều. Phải tôn trọng và sử dụng trí thức nhiều hơn. Nội bộ đảng nên chấp nhận ý kiến đa nguyên nhiều hơn.

Trà Mi: Bạn đề cao rằng hoạt động chính trị cần có sự giám sát. Còn Bảo?

Lê Bảo: Mình đồng ý với ý kiến của hai bạn, nhưng để thực hiện thì hơi khó. Hội nói phải luật hóa sự lãnh đạo của đảng. Hiện tại Ban chấp hành trung ương đảng là những tay to mặt lớn đang nắm giữ quyền lực tối cao trong đảng thì liệu chúng ta có thể luật hóa đảng đó hay không? Để ban hành luật phải đi qua ngoằn ngoèo nhiều tầng phía trên. Ở trên quyết định thì dưới quốc hội mới quyết được. Còn đề nghị của Vina, những hội nhóm muốn đứng ra hoạt động phải thông qua Mặt trận Tổ quốc và đăng ký với chính quyền. Ngay cả công đoàn bảo vệ quyền lợi cho công nhân cũng lệ thuộc đảng thì làm sao có thể đăng ký thành lập các tổ chức giám sát hoạt động của đảng được? Rõ ràng trong tình hình này rất khó. Tuy nhiên, trước năm 1990, không ai nghĩ rằng bức tường Berlin sẽ sụp đổ, Liên xô sẽ sụp đổ. Cho nên, chúng ta không thể nói trước được điều gì. Biết đâu sau này ngay trong nội bộ đảng có tranh cãi nảy lửa giữa những nhóm lợi ích thì nó sẽ nổ ra và đổ vỡ thì sao?

Trà Mi: Bảo nói chỉ có cách là chờ những thay đổi trong nội bộ đảng thì mới mong có sự thay đổi chung. Người trẻ có thể đóng góp hay tham gia thúc đẩy sự thay đổi, cải tiến nhanh hơn, tốt hơn chăng?

Lê Bảo: Nếu chúng ta cứ ngồi chờ sung rụng thì có phải người Việt Nam quá tham lam không, vừa muốn dân chủ-tự do, vừa muốn được an toàn hưởng thụ dân chủ-tự do do người khác mang lại. Ai cũng nghĩ thế thì chẳng làm được gì cả. Chúng ta chờ nội bộ đảng phân hóa, chờ đến bao giờ? Những chuyển động của nền dân chủ thế giới cũng như những chính sách sai lầm của đảng về kinh tế, chính trị sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân Việt Nam.

Trà Mi: Ai cũng muốn sự cải tiến nhưng chính mỗi người không góp một phần nhỏ vào quá trình đó thì sự cải tiến sẽ chậm tới. Vậy thanh niên phải làm gì để thể hiện trách nhiệm công dân và tinh thần xã hội của mình?

Vina: Việt Nam bây giờ đề cao đổi mới kinh tế trước đã, chính trị họ sẽ làm từ từ và tất cả mọi luồng tư tưởng khác họ sẽ gạt ra ngoài.

Trà Mi: Với chủ trương như vậy, ý kiến của bạn như thế nào? Bạn có đồng ý không?

Vina: Cái gì cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Họ đề cao đổi mới kinh tế cũng đúng thôi vì họ để cho dân đói khổ thì dân không theo, không tin tưởng họ nữa. Còn họ làm cho bạn ấm no, các bạn sẽ cảm thấy tạm hài lòng.

Trà Mi: Ý của Vina có thể hiểu là bạn tạm chấp nhận, nhưng thanh niên có thể làm gì để thể hiện trách nhiệm đóng góp cho xã hội? Bạn nào có ý kiến không?

Quốc Hội: Bây giờ người ta trói buộc chân tay mình, không cho mình làm. Như tôi muốn làm mới ra tự ứng cử nhưng họ không cho tôi làm. Mọi người ngại chuyện tự ra ứng cử vì sau khi trượt sẽ mất thời gian rất lâu để cân bằng lại. Phải chấn hưng tinh thần dân tộc. Cách mạng Việt Nam nổ ra năm 1945 là khai dân trí, chấn dân trí, hậu dân sinh. Bây giờ người trẻ chúng ta làm sao để nhiều người xung quanh mình hiểu được rằng dân trí của mình cần phải nâng cao lên để nhận thức về xã hội.

Trà Mi: Anh Hội đề nghị đừng phó mặc quyền công dân của mình. Còn Bảo?

Lê Bảo: Để thực hiện quyền làm chủ của người dân, nhất là thanh niên, và nâng cao tính dân chủ trong bầu cử và nền chính trị hiện tại của Việt Nam, trước mắt người nhỏ làm việc nhỏ, người lớn làm việc lớn, tùy theo khả năng. Thanh niên trí thưc trẻ có thể truyền bá tư tưởng, chia sẻ thông tin về dân chủ, những thông tin thiết thực đối với xã hội. Chúng ta truyền tay nhau để tạo ra một hiệu ứng, một công cuộc khai sáng nhỏ trong lòng mỗi người để mọi người nhận thức được đất nước này đang trong tình hình thế nào, cần những thay đổi gì.

Trà Mi: Có người nói rằng sự an phận do sợ hãi và sự thiếu hiểu biết là những nguyên do chính dẫn tới sự lạc hậu của một quốc gia và sự thụt lùi của một dân tộc. Sau những gì thảo luận, các bạn có nguyện vọng thế nào sau kết quả cuộc bầu cử quốc hội năm nay?

Vina: Mình mong các đại biểu quốc hội biết nghĩ rằng họ làm việc vì lợi ích người dân một cách có trách nhiệm và chính nghĩa, không ngại một thế lực nào, không bị một nhóm lợi ích nào ngăn cản.

Quốc Hội: Tôi xin gửi tới quốc hội khóa 13 câu nói: ‘Hãy nhập khẩu lương tâm và xuất khẩu tham nhũng’. Như vậy, Việt Nam mới phát triển. Nếu những người có chức có quyền ở Việt Nam có lương tâm, họ đã không nhắm mắt làm ngơ,  chạy theo quyền lợi trong đảng, cấu kết với nhau dành quyền lợi cho mình. Những người có trách nhiệm là những người thiếu lương tâm.

Vina: Vina cảm nhận xã hội bây giờ cũng không đến nỗi như thế.

Trà Mi: Vina cho rằng ‘không đến nỗi như thế’, nhưng anh Hội lập luận rằng nếu không như thế thì Việt Nam đã khá hơn rồi.

Vina: Dân luôn kỳ vọng lãnh đạo phải làm thế này, đất nước phải tiến thế kia, nhưng thực chất, lịch sử không cho phép ta như thế.

Trà Mi: Vina nói ‘lịch sử không cho phép như thế’ và bạn cho rằng mình nên chấp nhận điều đó?

Vina: Không ạ, không phải là chấp nhận.

Trà Mi: Mình không hiểu ý của Vina lắm, bạn nói ‘không chấp nhận’ nhưng cũng an phận. Hơi khó hiểu.

Vina: Ở Mỹ thì khác vì họ đề cao quyền tự do cá nhân. Còn ở Việt Nam vẫn còn ảnh hưởng bởi nền văn hóa đình, chùa, làng, xã, tức văn hóa cộng đồng. Người Việt mình muốn đi lên nhưng phải ổn định, hài hòa, không hy sinh quá vì dân tộc mình đã hy sinh, trả giá nhiều quá rồi. Bây giờ người Việt mình muốn tốt, nhưng hài hòa thôi, không thể để cho phải trả giá.

Quốc Hội: Ý bạn nói người Việt mình dễ thích nghi, trong khi bạn không nghĩ tới câu bác Hồ nói rằng: “Chúng ta có thể sánh vai các cường quốc năm châu.” Chúng ta phải phát triển để sánh vai với họ chứ.

Trà Mi: Có thể hiểu của Vina là tâm lý chung người Việt sợ sự thay đổi, sợ sự xáo trộn, nên chấp nhận những cái vừa phải thôi để được bình an.

Vina: Vâng ạ.

Trà Mi: Người trẻ nhận xét thế nào về tính dễ thích nghi, suy nghĩ gọi là ‘như vậy cũng được, cũng không sao’?

Quốc Hội: Tôi không đồng ý. Việt Nam mình có quyền sánh vai với các cường quốc năm châu chứ, mình phải là cường quốc chứ không thể nào cứ lẹt đẹt chạy trong vùng trũng của Đông Nam Á. Nên việc thay đổi mà bạn nói từ từ thì tôi không biết từ từ đến bao giờ. Chắc phải chờ một xung đột trong nội bộ của đảng như ý kiến bạn Bảo.

Vina: Ý Hội thế thì Hội có sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình cho xã hội không?

Quốc Hội: Anh Cù Huy Hà Vũ hy sinh và đã vào tù, anh ấy không sợ ngồi tù.

Vina: Đấy.

Trà Mi: Câu hỏi rằng mỗi người trong người trẻ chúng ta có sẵn sàng chuyển động để góp phần tạo nên sự thay đổi hay không. Câu trả lời của các bạn thế nào?

Vina: Rất là khó trả lời.

Trà Mi: Vina nói rằng câu trả lời rất khó.

Quốc Hội: Nhưng mà không vì thế mà chúng ta đánh mất đi cái suy nghĩ và bản năng tự chủ trong mỗi người chúng ta.

Trà Mi: Câu trả lời của Vina đối với câu hỏi đó là ‘rất khó’. Còn anh Hội nghĩ rằng dù khó nhưng không nên ngại khó mà đánh mất quyền tự chủ của mỗi người. Xin mời ý kiến của Bảo trước khi mình kết thúc chương trình.

Lê Bảo: Nếu theo ý Vina, chúng ta cứ an phận như thế thì nó sẽ mãi mãi như thế.

Vina: Không, nó phải từ từ chứ không nên ồ ạt, chóng vánh quá. Tâm lý chung của người Việt muốn tiến bộ nhưng không phải đánh đổi nặng nề quá.

Lê Bảo: Có một câu mình muốn chia sẻ: “Chúng ta sợ hậu quả của việc phải thay đổi mà ít khi nào nghĩ đến hậu quả của việc không thay đổi.” Nước Nhật 30 năm sau chiến tranh trở thành cường quốc thứ hai trên thế giới. Hàn Quốc đã trở thành một nước tiên tiến trên thế giới dù Triều Tiên vẫn còn bị chia cắt. Việt Nam mình bao nhiêu năm quá độ rồi mà trong tâm trí vẫn còn chủ trương là đang quá độ, quá độ tới bao giờ? Chúng ta vừa muốn được hưởng dân chủ tự do, vừa muốn được bình an để hưởng sự dân chủ tự do do người khác mang lại.

Vina: Đấy đấy.

Trà Mi: Chính Vina đặt ra câu hỏi đó mà bạn không có câu trả lời vì bạn nói là ‘quá khó’.

Vina: Vâng ạ.

Lê Bảo: Bởi vậy nên mới có những người hy sinh, những người dấn thân. Có thể anh Vina không được như vậy nhưng có những người như vậy.

Vina: Nhưng số lượng ít, không thể làm thay đổi được xã hội, khó đấy.

Lê Bảo: Ai cũng nghĩ thế thì ai sẽ làm.

Vina: Xã hội cần một nền tư tưởng mới để cách tân xã hội.

Trà Mi: Vậy theo Vina, người trẻ nên phải làm gì đây?

Vina: Mình tạm thời chưa trả lời được.

Trà Mi: Hiện nay trong giới trẻ Việt Nam có những luồng tư tưởng khác nhau. Có người dám dấn thân, chia sẻ quan điểm, chia sẻ thông tin. Cũng có người còn thụ động chờ đợi xuất hiện sự thay đổi. Câu trả lời cuối cùng xin được nhường cho mỗi người chúng ta, những người trẻ Việt Nam. Khi nghe chương trình này, các bạn có suy nghĩ như thế nào, xin hãy chia sẻ với chúng tôi.

Trà Mi: Lý luận của anh Duy đưa ra có thuyết phục mọi người hay không? Mời quý vị đón nghe trong phần thảo luận tuần tới, và các bạn nghe đài có ý kiến ra sao về quy cách ‘đảng cử, dân bầu’ ở Việt Nam? Mời quý thính giả tham luận với chương trình trong chuyên mục Tạp chí Thanh Niên trên trang web http://www.voatiengviet.com, trang facebook của VOA: http://www.facebook.com/VOATiengViet hoặc qua địa chỉ email vietnamese@voanews.com. Các bạn trẻ muốn trực tiếp góp tiếng trong các chủ đề thảo luận trên Tạp chí Thanh Niên, vui lòng để lại số phone, chúng tôi sẽ liên lạc mời các bạn tham gia.

Bình luận về bài viết này

  • Nếu chúng ta không làm thì ai sẽ làm thay cho chúng ta?

  • Nếu chúng ta không làm bây giờ thì đến khi nào?

  • Liên lạc Ban Đại Diện THTNDC qua email thtndc@gmail.com