TRÍ THỨC CẦN THÍCH NGHI ĐỂ DẪN DẮT XàHỘI

Cảnh Thái, theo VEF

Trí thức cần tích cực thích nghi với môi trường kinh tế xã hội hiện hữu. Làm được điều này, đòi hỏi trí thức phải có phẩm chất dám làm, dám chịu, dám hy sinh quyền lợi, sinh lực và trí tuệ cho cộng đồng.

Một băn khoăn về tầm quan trọng của đội ngũ trí thức trong xã hội tại Việt Nam và các quốc gia khác đang như thế nào.

Các câu nói có tính xếp hạng hay xếp loại hoặc ngẫu nhiên nào đó cho hợp vần hợp âm, dễ tạo suy nghĩ phân hóa giai cấp như “sĩ nông công thương” hay “nhất sĩ nhì nông” hoặc “hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ” cần được tìm hiểu rõ với thiện chí và tâm thế đoàn kết tình đồng bào dân tộc tương thân tương ái.

Vai trò của đội ngũ trí thức?

Vấn đề giai cấp hay phân công lao động trong xã hội là nhạy cảm và dễ kích thích lòng tự ái hay tính phân biệt đối xử. Tuy nhiên, điều cần thấy ở đây là việc xác định rõ vai trò trách nhiệm xã hội của mỗi công dân trong tầng lớp lao động và sự phân công lao động của xã hội, dù là lao động trí óc hay lao động tay chân, để hiểu và hành xử đúng với các chức năng của công dân.

Chẳng hạn như giáo viên phải dạy ngày càng tốt hơn, học sinh phải học giỏi hơn, công nhân phải có kỷ luật lao động và năng suất lao động cao hơn, nông dân phải siêng năng cần cù làm ra các sản phẩm nông sản ngày một tốt hơn, bác sĩ phải có y đức và hết lòng chăm lo cho bệnh nhân, kỹ sư phải có sự đào luyện óc sáng tạo trong các ngành kỹ nghệ, người lao động chân tay cũng phải có kỷ luật kỷ cương trong môi trường lao động doanh nghiệp và xã hội, người công chức phải thấm thía ý nghĩa “quan vi dân” để hết lòng phụng sự tổ quốc và nhân dân, .v.v..

Muốn phát triển, cạnh tranh được với các quốc gia khác cần xây dựng và cải tạo môi trường làm việc cho trí thức (ảnh VTC).

Phải nói rõ, chỉ có những người càng được trang bị kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm nghề nghiệp nhiều nhất trong mỗi lĩnh vực, mới có năng lực tạo ra “sức lao động sản xuất tiên tiến nhất” hay “năng suất lao động cao nhất”.

Điều này tạo lợi thế cho trí thức vì chỉ có trí thức mới tiếp cận được nền văn minh khoa học kỹ thuật hiện đại ở các góc độ tiên tiến nhất.

Thực tế cho thấy, năng suất lao động của những quốc gia có hàm lượng chất xám cao thể hiện qua trình độ giáo dục đào tạo, trình độ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao, luôn cao hơn nhiều các quốc gia khác dù có cùng hay tương tự về cấu trúc dân số hay diện tích đất đai và tài nguyên thiên nhiên.

Đài Loan và Malaysia có tương tự về dân số và dù Malaysia có nhiều hơn rất nhiều về diện tích đất đai và tài nguyên nhưng năng suất lao động và GDP của Đài Loan vẫn cao hơn, phần nhiều do năng lực khoa học công nghệ và khả năng nghiên cứu và phát triển các ứng dụng của đội ngũ trí thức vào các chế phẩm công nghệ và hàng tiêu dùng xuất khẩu.

Nếu loại trừ các yếu tố chính trị, xã hội do lịch sử để lại, các nước phương Tây có nền khoa học kỹ thuật nói chung phát triển sớm hơn và tạo ra được năng suất lao động nhìn chung cao hơn các nước khu vực châu Á và châu Phi. Tất cả đều có thể liên quan đến một đội ngũ trí thức có năng lực cao của mỗi quốc gia, đây cũng là “nguồn lực chất xám” của quốc gia.

Nói cách khác, nếu một quốc gia muốn nâng cao hiệu suất lao động thì phải có đội ngũ trí thức hiện đại, đạt tầm cao và đủ năng lực tiếp cận các trình độ khoa học công nghệ và kỹ thuật tiên tiến nhất và thực sự đóng vai trò dẫn dắt xã hội tiến lên phía trước.

Phát huy năng lực dẫn dắt

Đội ngũ trí thức còn có năng lực dẫn dắt xã hội về các lĩnh vực khác mà họ tham gia.

Một xã hội biết quý trọng chất xám của trí thức sẽ kích thích và khuyến khích sự đóng góp xã hội lớn hơn về mặt chính trị và xã hội nhân văn của tầng lớp trí thức về các lĩnh vực này.

Để làm được điều này, không gì khác hơn là phải tạo một “môi trường thực sự tự do” cho các trí thức được “xây dựng môi trường làm việc tự do sáng tạo” của chính mình.

Khoa học dù là ngành kỹ thuật, kinh tế hay chính trị xã hội, đã là khoa học đều là “bể học mênh mông” và “không biên giới”. Nếu một quốc gia tự dựng lên các rào cản hay chướng ngại trên con đường nghiên cứu khoa học sáng tạo của đội ngũ trí thức thì chẳng khác nào tự khiến mình lạc hậu, chậm tiến so với xung quanh.

Đội ngũ trí thức có năng lực dẫn dắt xã hội về các lĩnh vực khác mà họ tham gia.

Khái niệm “sáng tạo không biên giới” được triệt để áp dụng tại các quốc gia phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ, Đức, v.v. cũng như các tập đoàn và công ty đa quốc gia để rồi gặt hái rất nhiều thành công vang dội là điều ngày nay chúng ta đều thấy rõ.Càng nhiều “rào cản, chướng ngại hữu hình hay vô hình” hoặc thiếu các “hành lang pháp lý hỗ trợ và bảo vệ” đối với trí thức thì quốc gia càng lạc hậu và chậm tiến.

Lớn mạnh nhờ tập hợp các nguồn lực chất xám

Trước hết cần nhận chân rõ vai trò dẫn dắt của trí thức trong mọi lĩnh vực.

Một kỹ sư Singapore nói rằng ở đất nước nhỏ bé cả về dân số lẫn diện tích đất và tài nguyên thiên nhiên của ông ta, mọi người dân thường có ý kiến rất khác nhau, và thậm chí khác biệt nhiều so với quan điểm của chính phủ Singapore. Các quan điểm khác biệt thậm chí trái ngược trên các diễn dàn, báo chí.

Tuy nhiên, khi cần “trưng cầu dân ý” về các vấn đề hệ trọng của xã hội thì các ý kiến đa số đều ủng hộ quan điểm của chính phủ. Tại sao vậy?

Họ cho rằng chính phủ với những con người trí thức ưu tú, đang là đại diện tốt cho người dân rồi, anh ta nói. Người dân tin rằng chính phủ đã tập hợp được những người “thông minh” nhất để lãnh đạo, do vậy phải tin theo thôi!

Dễ thấy là đất nước nhỏ bé như Singapore, Israel hay Thụy Sĩ nếu không có nguồn lực chất xám cao sẽ không có sự cạnh tranh nào khác. Họ không thể dựa vào đội ngũ lao động đông đảo, giá lao động rẻ, không thể có nhiều đất để nuôi trồng và phát triển nông sản hay hải sản, không có mỏ dầu hay than đá, khoáng sản để khai thác, .v.v. họ chỉ còn cách khai thác chất xám của trí thức, tạo ra các giá trị khác biệt hóa cao nhờ khoa học công nghệ và năng suất lao động cao.

Cần phải làm gì?

Việt Nam muốn phát triển, cạnh tranh được với các quốc gia khác cũng không ngoại lệ và cần xây dựng và cải tạo môi trường làm việc cho trí thức.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã nhiều lần bày tỏ quan điểm trọng dụng đội ngũ trí thức, tôn trọng và lắng nghe kinh nghiệm và chia sẻ của trí thức.

Đội ngũ trí thức trong bất kỳ thời kỳ nào của lịch sử phát triển kinh tế xã hội đều dễ dàng “sống được”, lo được “miếng cơm, manh áo” cho hoàn cảnh bản thân mình và gia đình, nhờ sức lao động sáng tạo của bản thân, kỹ năng nghề nghiệp cao, dù làm việc gì họ luôn được trả lương, trả công thuộc loại cao trong cấu trúc hệ thống lao động của quốc gia.

Vấn đề là khả năng đóng góp cho xã hội của các tầng lớp trí thức đang ở mức độ nào. Làm sao để trí thức có đủ “dũng khí” thoát ra khỏi vỏ bọc “lo toan cho bản thân và gia đình” để góp phần dẫn dắt sự tiến bộ của đất nước.

Hiện nay, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với các cơ hội hội nhập vào thế giới kinh tế thị trường toàn cầu và các thách thức lớn lao về khả năng cạnh tranh các nguồn lực quốc gia với các nước khác. Nếu chỉ biết dựa vào nguồn lực tài nguyên thiên nhiên hay lao động giá rẻ thì nguy cơ bị lệ thuộc nước ngoài rất lớn.

Các thách thức đang dần biến thành nguy cơ đe dọa thực sự khi các quốc gia láng giềng trong vùng đang lớn mạnh không ngừng. Sự lớn mạnh của láng giềng phương Bắc – Trung Quốc khổng lồ – và các ứng xử bất thường trên Biển Đông đòi hỏi cả dân tộc, trong đó có đội ngũ trí thức, thể hiện vai trò và khả năng “hiệu suất cao” của mình.

Kinh tế tri thức đã thắng thế khắp nơi trên thế giới. Ai cũng biết, cho dù quốc gia nào giành quyền hay có chủ quyền khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông cũng đều phải sử dụng công nghệ và chất xám của các công ty dầu khí Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Đức, Nga, .v.v. và đều phải chia sẻ lợi nhuận với các tập đoàn công nghiệp đang sở hữu nhiều bí quyết và công nghệ như Exon Mobil, BP, Shell, Mitsubishi, Total, .v.v. vì rốt cục đều phải mua và sử dụng sản phẩm và dịch vụ của họ.

Về phía người trí thức và tầng lớp trí thức, cũng cần tích cực thích nghi với môi trường kinh tế xã hội hiện hữu. Chấp nhận thực tiễn còn rất nhiều khó khăn thử thách, môi trường làm việc còn nhiều bất cập, chế độ chính sách đãi ngộ nhiều nơi chưa phù hợp, để tự mình phát huy phẩm chất dẫn dắt đi đầu trong các sáng tạo trên mọi lĩnh vực.

Làm được điều này, trí thức được đòi hỏi phải có phẩm chất dám làm, dám chịu, dám hy sinh quyền lợi, sinh lực và trí tuệ cho cộng đồng.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần mạnh dạn và nhanh chóng xóa bỏ các rào cản, chướng ngại trong môi trường làm việc của trí thức. Phải thực sự có một “môi trường sáng tạo không biên giới” cho trí thức Việt Nam. Có vậy, họ mới mạnh dạn phát biểu, mạnh dạn đóng góp kiến thức của mình cho cái chung của xã hội mà không sợ bị “trù dập” hay “chụp mũ”.

Chăm lo tốt cho tầng lớp trí thức, tạo điều kiện cho họ toàn tâm toàn ý cống hiến năng lực chất xám vào mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội thì mới có các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, các nghiên cứu chuyên sâu, các sáng tạo mới về kỹ thuật công nghệ cạnh tranh được với các quốc gia khác.

Và chỉ có như vậy, vai trò trí thức mới thực sự là dẫn dắt xã hội trong câu nói “sĩ nông công thương” cho dù là trí thức trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp hay thương mại nào đó.

Một cơ chế trọng dụng nhân tài, đưa được người tài đức vào các vị trí quan trọng trong bộ máy quản lý nhà nước, phụng sự quốc gia là điều sống còn.

Bình luận về bài viết này

  • Nếu chúng ta không làm thì ai sẽ làm thay cho chúng ta?

  • Nếu chúng ta không làm bây giờ thì đến khi nào?

  • Liên lạc Ban Đại Diện THTNDC qua email thtndc@gmail.com